image banner
Lịch sử

Anh-tin-bai

Phần Màu Xanh là Gò Đen xưa

ĐẤT VÀ NGƯỜI PHƯỚC LỢI

 

I. VÀI NÉT VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ XÃ HỘI

Xã Phước Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An năm trên trục quốc lộ 1A, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 25km về hướng tây nam. Xã có diện tích tự nhiên 750ha, phía bắc giáp xã Mỹ Yên (Bến Lức), phía nam giáp xã Phước Vân và xã Long Khê (Cần Đước), phía đông giáp xã Phước Lý (Cần Giuộc), phía tây giáp xã Long Hiệp (Bến Lức). Xã Phước Lợi là một xã có diện tích tự nhiên tương đối nhỏ, song quy mô dân số khá lớn. Cụ thể năm 2005, toàn xã có 2.960 hộ với 13.684 nhân khẩu (NĂM 2023 3.223 hộ, 14.056 nhân khẩu). Về thành phần dân tộc, đại đa số là người Kinh, người Hoa chiếm số lượng không đáng kể. Toàn xã bao gồm bảy ấp, trong đó có sáu ấp nông nghiệp và một ấp chợ. Dân cư đa số tập trung ở khu vực ấp Chợ và dọc theo quốc lộ và các tỉnh lộ.

Về giao thông, địa bàn xã Phước Lợi chủ yếu phát triển hệ thống giao thông đường bộ. Xã hiện có tuyến quốc lộ 1A và hai tuyến tỉnh lộ (835 và 835C) chạy ngang qua. Mạng lưới giao thông nông thôn và giao thông nội đồng tương đối hoàn thiện, kết nối đến từng xóm, ấp trong xã.

Về cơ cấu kinh tế, tính đến thời điểm năm 2015, có 35% dân số trong xã làm nông nghiệp, 65% dân số làm nghề thương mại, dịch vụ hay các ngành nghề khác. Toàn xã có 78 doanh nghiệp, công ty đang hoạt động trên địa bàn.

Về cơ sở vật chất - hạ tầng, xã Phước Lợi là nơi tập trung nhiều cơ quan công ích. Cụ thể tại xã hiện có một chợ Gò Đen, một trạm y tế, nhiều phòng khám đa khoa do tư nhân đầu tư, một bưu điện Gò Đen, ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (khu vực Gò Đen), ngân hàng Việt Tin, Quỹ tín dụng Gò Đen, một trường trung học phổ thông, một trường trung học cơ sở, hai trường tiểu học, một trường mẫu giáo. Xã đã được trang bị một đài truyền thanh cấp xã. 100% các hộ trong xã có điện thắp sáng, 100% hộ dùng nước sạch. Ủy ban nhân dân xã đóng tại ấp Chợ.

Về tôn giáo, xã Phước Lợi tập trung nhiều loại hình tôn giáo, bao gồm Phật giáo (ba chùa), Công giáo (một nhà thờ), Tin Lành (một nhà giảng), Cao Đài (một thánh thất) và tín ngưỡng địa phương. Địa bàn xã có ba ngôi đình: Phước Lợi, Phước Quảng, Long Vượng.

Về tổ chức đảng, hiện Đảng bộ xã Phước Lợi có 13 chi bộ với 256 đảng viên, trong đó có bốn chi bộ ngành giáo dục, bảy chi bộ ấp, một chi bộ Công an, một chi bộ Quân sự

Nhìn chung, với vị trí địa lý nằm ở trung tâm chợ Gò Đen, xã Phước Lợi được xem là một trong các xã có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế của huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

II. VỀ ĐỊA DANH GÒ ĐEN - PHƯỚC LỢI

Gò Đen là tên vùng gò đất cao nằm giữa địa bàn các xã Phước Lợi, Long Hiệp và Mỹ Yên ngày nay. Nhưng nhắc đến Gò Đen, người ta nhắc đến Phước Lợi vì trung tâm Gò Đen nằm trên đất Phước Lợi. Tương truyền vùng này địa hình gò đất cao, đứng từ xa nhìn về thấy bóng cây xanh um tùm giống như màu đen, dân gian gọi là Gò Đen. Triều Nguyễn gọi vùng đất này là Ô Nguyên (thế kỷ XIX). Ô là đen, Nguyên là dãy đất, gò đất. Địa danh Gò Đen ngày nay chính là địa danh thuần Việt có cùng ý nghĩa với địa danh Hán - Việt Ô Nguyên đã từng xuất hiện trong quá khứ. Ngoài ra, vùng Gò Đen còn có một số tên gọi dân gian khác như: Gò Đăng, Gò Thâm, Gò Đêm, Gò Đỏ (Gò Đèn), v.v.. Tuy nhiên, các tên gọi này chỉ dùng để gọi tên một khu vực nhỏ và trong một khoảng thời gian nhất định, chẳng hạn, tên gọi Gò Đỏ xuất hiện khi chợ Gò Đen cho dựng một cây cột cao, trên có treo cái lồng đèn đỏ, dân thập phương qua lại gọi khu vực chợ này là Gò Đỏ (hay Gò Đèn). Theo Địa chí văn hóa tỉnh Long An, tên gọi Gò Đen (Ô Nguyên) là tên gọi xuyên suốt và có căn cứ nhất do xuất phát từ điều kiện tự nhiên trong vùng. Nói về lòng tự hào đối với quê hương mình, người Gò Đen có thơ như sau:

Quê Gò Đen vọng đến vạn lòng son Quê Gò Đen muôn vạn kiếp vẫn còn Danh vị cũ không bao giờ thay đổi .”

Phước Lợi là tên gọi hành chính chính thức của xã kế từ giữa thế kỷ XVIII. Theo sử sách ghi lại, vùng đất Bến Lức vốn là địa vực cư trú của một số ít cư dân người Khmer. Họ chủ yếu sinh sống dọc các con kênh, rạch, các vùng đối tương đối cao trong vùng và chủ yếu sống bằng nghề làm nông nghiệp, đánh bắt cá. Tuy vậy, địa bàn cư trú cụ thể của họ ngày nay không thể xác định được. Theo dân gian lưu truyền, khu vực Gò Đen là một trong những khu vực sớm có người sinh sống trên đất Bến Lức. Theo phong trào Nam tiến, khi các cư dân gốc Việt đầu tiên đến khai phá vùng đất Nam Bộ, nhiều gia đình họ Lưu Phước từ Quảng Ngãi, Bình Định đã đặt chân đến và ở lại trên đất Phước Lợi. Theo gia phả của một số cư dân trong xã, địa danh Phước Lợi xuất hiện do các thành viên gia đình họ Lưu Phước này đặt ra. Tuy vậy, cách giải thích này chỉ mang tính truyền miệng và chưa có cơ sở khoa học.

Thôn Gò Đen - tiền thân của xã Phước Lợi ngày nay . hình thành từ thời kỳ nhà Nguyễn chính thức tiếp nhận vùng đất Nam Bộ. Theo dân gian, thôn Gò Đen thành lập cùng thời kỳ với thành phố Sài Gòn - Gia Định. Đến cuối thập niên 1860, khi thực dân Pháp cơ bản chiếm xong vùng Nam Bộ đã tiến hành phân chia lại ranh giới các khu vực, nhưng ranh giới xã Phước Lợi gần như không thay đổi.

Năm 1945, xã Phước Lợi thuộc tổng Long Hưng Hạ, huyện Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn, đến năm 1951, trực thuộc tỉnh Gia Định.

Từ năm 1951 đến năm 1955, sáp nhập cùng với ấp Phước Toàn B, xã Long Hiệp, đặt tên xã là Phước Hiệp, thuộc tổng Long Hưng Hạ, huyện Trung Huyện, tỉnh Gia Định. Đến năm 1954 lại đổi thành trực thuộc tỉnh Chợ Lớn. Cuối năm này, xã Phước Hiệp tách ra thành xã Phước Lợi và một phần của xã Long Hiệp.

Năm 1960, huyện Bến Lức và Thủ Thừa sáp nhập thành huyện Bến Thủ. Lúc này, xã Phước Lợi thuộc huyện Bến Thủ.

Vào khoảng các năm 1965, 1966, xã Phước Lợi chuyển về huyện Cần Đước.

Tháng 10-1967, huyện Bến Thủ tách ra, xã Phước Lợi lại thuộc huyện Bến Lức. Sau ngày giải phóng năm 1975, xã Phước Lợi vẫn thuộc huyện Bến Lức.

Tháng 10-1970, Phân khu 2 và Phân khu 3 sáp nhập thành Phân khu 2-3. Xã Phước Lợi thuộc Phân khu 2-3. Tháng 8-1973, xã thuộc Khu 8.

Tháng 4-1977, tỉnh một lần nữa sáp nhập hai huyện Bến Lức và Thủ Thừa thành huyện Bến Thủ. Xã Phước Lợi thuộc huyện Bến Thủ

Tháng 5-1983, tỉnh quyết định chia huyện, xã Phước Lợi trở về huyện Bến Lức cho đến hôm nay.

Ngày nay, Gò Đen - Phước Lợi là khu thị tứ khá sầm uất, là điểm trung chuyển khá quan trọng giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ mặt Gò Đen - Phước Lợi đang thay đổi từng ngày. Trong tương lai không xa, Gò Đen có thể sẽ trở thành một đô thị vệ tinh của Thành phố Hồ Chí Minh với số dân và các hoạt động thương mại - dịch vụ ngày càng tăng.





image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1