image banner
Truyền thống văn hóa

I/ VĂN HÓA DÂN GIAN:

Hiện nay xã có 1 câu lạc bộ nhạc tài tử

II/ TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN VÀ PHONG TỤC TẬP QUÁN

1/ Tín ngưỡng dân gian

Qua nghiên cứu hoạt động tín ngưỡng dân gian trên địa bàn huyện, nhận thấy rằng tín ngưỡng dân gian của đồng bào Bến Lức được thể hiện và phổ biến dưới 2 dạng đó là:         

a/ Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên :

Được nhân dân thờ trong các đình, miếu và tại gia đình đó là các nhiên thần như Bà Ngũ Hành ( Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ ) hay gọi là thần không gian như tục thờ Thần Nông, Sơn thần, Hổ thần, tục thờ Tam phủ  là mẹ  (bà) trời, mẹ đất và mẹ thủy, tục thờ thổ công, tục thờ Ông Địa….

b/ Tín ngưỡng sùng bái con người

- Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên:

Là nét tín ngưỡng rất phổ biến của nhân dân Việt Nam ta, gần như là 1 tôn giáo (nhiều nơi còn gọi là đạo Ông Bà hay đạo thờ Tổ 3 cấp hay 4 cấp, có thể nói đây là đạo gốc trong hệ thống tôn giáo tín ngưỡng của người Việt) đây là tục thờ cúng những người đã khuất, đặc biệt là tổ tiên, đa phần không có gia đình nào mà không thờ tổ tiên trong nhà. Nhân dân ta rất coi trọng việc cúng giỗ với ý nghĩa tưởng nhớ về các đấng sinh thành, giáo dục truyền thống hướng về cội nguồn cho con cháu và đời đời phải tuân theo.

- Tín ngưỡng thờ Thổ công

Trong gia đình, ngoài thờ tổ tiên, các gia đình Việt Nam nói chung và Bến Lức nói riêng còn có tục thờ Thổ công (địa thần một dạng của Mẹ Đất) là vị thần trông coi gia cư, đây là vị thần rất quan trọng định đoạt phúc, họa cho một gia đình, Thổ công là hình tượng bộ ba, truyện thường kể với sự tích Táo Quân…

2/ Phong tục tập quán

Lễ hội của đồng bào Phước Lợi có những nét chung trong lễ thức truyền thống và nét riêng theo tín ngưỡng vùng miền, có thể chia làm 2 loại cụ thể như sau:          

a/ Những lễ thức mang tính tập tục cổ truyền của dân tộc như:

- Tết Nguyên Đán là tết cổ truyền của dân tộc, lễ tết lớn nhất trong năm và được nhân dân rất chú trọng;  

- Lễ Rằm tháng giêng hay là tết Nguyên Tiêu còn là ngày vía đức Phật Adiđà (lễ cả năm không bằng rằm tháng Giêng). Ở Bến Lức lễ Rằm tháng giêng được đông đảo bà con hưởng ứng bằng cách trẩy hội nô nức đến cúng phật tại chùa để cầu phúc lành cho gia đình, dòng họ, đất nước và bản thân.

-  Lễ Tảo mộ

Phong tục này ở Bến Lức nói riêng và Long An ta nói chung thường tổ chức vào ngày 25 tháng Chạp nhằm sửa sang mộ phần tổ tiên cho khang trang, sạch đẹp để đón tết cùng con cháu, và cũng ngày này hàng năm lãnh đạo và nhân dân huyện Bến Lức đã sửa sang mộ phần các anh hùng liệt sĩ và long trọng tổ chức lễ viếng kéo dài cả trong 1 ngày để thân nhân liệt sĩ các nơi về dâng hương, tưởng niệm tri ân tại nghĩa trang huyện.

-  Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch)

Đây  ngày tết mà dân ta kỷ niệm thời điểm giữa năm, trong ngày này mọi nhà đều sắm sửa lễ cúng ông bà, tổ tiên …, đây là dịp có những thứ hoa quả, hạt đầu mùa mà con cháu dâng cúng tổ tiên, đây cũng là những sản phẩm để đi biếu nhạc phụ, nhạc mẫu tương lai, đi tết thầy học và là dịp để tỏ lòng biết ơn, đáp nghĩa.

-  Tết Trung Nguyên (Rằm tháng 7)

Với đạo Phật đây là ngày lễ Vu Lan, ngày báo hiếu cha mẹ. Trong ngày này những người con trong gia đình dành cho các bậc sinh thành những món quà ý nghĩa nhất để tỏ lòng hiếu thảo, đây là một tập tục tốt đẹp của dân tộc có xu hướng phát triển rộng ở Bến Lức ta trong những năm gần đây .

-  Tết Trung Thu (Rằm tháng 8)

Còn gọi là Tết trẻ con, đây là dịp để thể hiện lòng thương yêu con trẻ 1 cách cụ thể và cũng là dịp để dâng cúng tổ tiên, kính biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, ân nhân…Hàng năm cứ đến ngày này lãnh đạo các cấp từ huyện đến xã rất quan tâm và đều tổ chức cho các cháu vui chơi, nhất là các cháu có hoàn cảnh khó khăn đều có quà và được tổ chức vui chơi tại cộng đồng. Lãnh đạo huyện cũng đã phân công Cán bộ, lãnh đạo các ngành, đoàn thể đến dự cùng các em ở từng cơ sở trong huyện.

- Phong tục lễ Kỵ nhật, Hỷ, Sóc, Vọng

+  Ngày Sóc, Vọng hàng tháng

Ngày Sóc (mùng một) Ngày Vọng (ngày rằm) hàng tháng các gia đình thường quét dọn bàn thờ, sắm hương hoa quả dâng tổ tiên và gia thần. Đây là ngày tưởng nhớ ông bà, tổ tiên là những ngày chay tịnh để sửa mình, những hành động bất thiện, những nghề nghiệp thấp kém đều hạn chế hoạt động trong những ngày này.

+ Ngày Kỵ nhật gia tiên

Tức là ngày giỗ người thân trong gia đình, lễ thức này có ý nghĩa là đạo làm con, cháu phải biết phụng dưỡng cha mẹ khi còn sống và phụng thờ khi đã mất để tưởng nhớ về cội nguồn, lễ thức này đời đời phải tuân thủ, tự giác thực hiện.

+  Lễ động thổ và khánh thành nhà ở hoặc cửa hiệu, phân xưởng …

Đây là lễ thức khá phổ biến vì dân gian cho rằng “ Đất có thổ công, sông có hà bá” do vậy khi thiết kế 1 công trình hay khánh thành cơ sở làm ăn, nhà ở…đều có lễ kêu cầu để công việc được trôi chảy.

+ Lễ cưới gã

Con người là thành viên của gia đình, mỗi gia đình đều có gốc gát, tổ tiên cội nguồn, vì vậy mỗi gia đình khi có con đến tuổi dựng vợ gả chồng thì phải thông qua dòng họ, làm lễ kính cáo gia tiên, gia thần cho sự tác thành được viên mãn.

b/ Các lễ hội truyền thống:

-  Lễ cúng đình

Ở Phước Lợi hiện có 3 đình tọa lạc trên các ấp2, ấp 4, và ấp 3A. Các lễ thức cúng đình trước đây rất phong phú, nhưng đến nay do 1 số lễ thức không còn thích hợp với điều kiện sống mới nên dần mai một chỉ còn lại phổ biến 3 lễ cúng bắt buộc trong năm đó là:

+ Lễ Hạ Điền (tịch điền) được tổ chức vào đầu mùa mưa, vào tháng 04 âm lích,

+ Lễ Cầu Bông được tổ chức vào cuối mùa mưa vào tháng 10 âm lịch

+ Lễ Kỳ Yên hay lễ Cầu An, còn gọi là lễ vía Thành Hoàng, đây là lễ lớn nhất trong năm, lễ này được tổ chức không thống nhất thời gian, tùy mỗi nơi có ấn định riêng  trong các tháng 12 đến tháng 3 âm lịch

- Lễ cúng Việc Lề

Đây là dạng tín ngưỡng mang đậm dấu ấn thời khai hoang mà hầu như chỉ phổ biến ở nông thôn Nam Bộ, lễ cúng này có tên khác là: cúng Vật lề, cung lề, giỗ hội, hiệp kỵ. Tùy theo kiến họ mà ngày tháng, cách cúng và vật cúng có khác nhau đôi chút nhưng chung một ý nghĩa nói lên đạo lý uống nước nhớ nguồn trọnh tình nghĩa của người dân Nam Bộ.

Ý nghĩa chung của các lễ hội truyền thống đó là  ước vọng mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, gia đạo hưng long. Hướng về cội nguồn, biểu dương và cố kết sức mạnh cộng đồng, thỏa mãn và cân bằng nhu cầu đời sống tâm linh, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa nghệ thuật, là bảo tàng sống của văn hóa Việt Nam. 

III/ TÔN GIÁO

Ở Phước Lợi có 4 tôn giáo du nhập vào rất lâu đời và có một quá trình phát triển đáng chú ý đó là : đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Cao Đài, đạo Tin Lành với số lượng tín đồ hiện có là hơpn 2000 người,  Các tôn giáo đều có xu hướng đồng hành cùng dân tộc, với chế độ mới vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.         

1/ Đạo Phật

Là 1 trong 6 tôn giáo có nhiều tín đồ và rộng khắp các xã – thị trấn, Phật giáo theo chân những lưu dân vào định cư tại Bến Lức, nhưng phải đến đầu thế kỉ XX thì mới phát triển mạnh. Phật giáo Bến Lức đa phần là phái Bắc Tông (Đại Thừa), ngoài ra còn nhiều hệ tông phái khác như Tịnh Độ Cư Sĩ, Phật Giáo Khất Sĩ, Thiên Thai Tông và Lâm Tế Tông. Tín đồ Phật giáo hiện có 8539 người . Cơ sở thờ tự là 30

Phương châm hành đạo của Phật giáo là : “ Đạo pháp – Dân tộc – CNXH ”

2/ Đạo Thiên Chúa

Đạo Thiên Chúa du nhập vào Bến Lức vào khoảng đầu thế kỉ XIX theo 2 hướng:

- Hướng thứ nhất từ Gia Định - Sài Gòn xuống, vào năm 1884 linh mục Đoàn Công Triệu từ chủng viện Thánh Giuse ở Sài Gòn được cử đến làm cha xứ họ đạo Nha Ràm (1 họ đạo có sớm nhất ở Long An -  xã Long Trạch, huyện Cần Đước) từ đây linh mục Triệu đi truyền đạo khắp nơi xung quanh và lập nên nhà thờ Gò Đen (xã Phước Lợi ngày nay).

- Hướng thứ hai từ Họ đạo Ba Giồng (xã Tân Lý Tây – huyện Châu Thành tỉnh Mỹ Tho) lên, năm 1881 linh mục Hồ Biểu Đoan xây dựng nhà thờ Lương Hòa, tiếp 2 năm sau ông lập thêm họ đạo Thủ Đoàn.

Từ đó đạo Thiên chúa phát triển đến nay. Phương châm hành đạo là “ Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” .  

3/ Đạo Cao Đài

Đạo Cao Đài  được du nhập và mở đạo vào năm 1925 tại quận Cần Giuộc, 1 số thánh thất được dựng lên ở Tân Kim, Mỹ Lộc (Cần Giuộc), Tân Chánh (Cần Đước), Quý Tây (Bình Chánh), Bình Quới (Châu Thành) và từ đây bắt đầu phát triển mạnh ở các vùng lân cận trong đó có Bến Lức.

Xã có 1 thất thất Cao đài tại ấp 3A. Phương châm hành đạo là “Nước vinh, đạo sáng”.       

4/ Đạo Tin Lành

Tin Lành có mặt ở Long An vào năm 1912, đến năm 1944 nhà thờ Gò Đen (Phước Lợi) được xây dựng và đi vào hoạt động cho đến nay, hiện tín đồ là  450  có 01 cơ sở thờ tự tại ấp chợ 

Phương châm hành đạo là: “Phụng sự Thiên Chúa, Phụng sự Tổ quốc”

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1